Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Lịch sử đất nước Itali

Lịch sử đất nước Itali

Lịch sử đất nước Itali - Về mặt văn hóa và ngôn ngữ, nguồn gốc lịch sử Ý bắt nguồn từ thế kỷ thứ 9 TCN, với những ghi chép đầu tiên về sự xuất hiện của các bộ tộc Italic ở miền trung Italy hiện đại.
Italia sơ kỳ
Những cư dân đầu tiên của bán đảo Italia là những di dân châu Á và châu Âu, đến đây từ hơn 30.000 năm trước. Khoảng 4000 năm trước, những bộ lạc Latinh và Italia đã thống trị miền đất này.

Khoảng 700 Tr.CN, có những cư dân thời kỳ đồng thau bắt đầu biết chèo thuyền đi lại xung quanh Địa Trung Hải do ảnh hưởng từ những người Hy Lạp và Phoenicians. (Người Phoenician chỉ chung ngươi ở vương quốc cổ Phoenicia vùng ngày nay là Syria, Lebanon và Israel). Các nhà viết sử gọi họ là những người Etruscans. Trước đây người ta nghĩ rằng những người Etruscans đến từ Tây Á do tin vào sử gia Herodotus nhưng ngày nay người ta biết rằng những người Etruscans là 1 bộ phận của dân cư Italia.

Những người Etruscans học được rất nhiều thứ từ người Hy Lạp và người Phoenicians mà người Latins sống xung quanh Rome còn chưa biết. Những người Etruscans xây các thành phố với tường thành bằng đá. Họ xây các đền thờ lớn bằng đá. Họ đào kênh và mương để dẫn nước vào cánh đồng của họ. Họ đã tổ chức được chính quyền có vua. Sau đó một số cư dân khác ở Italia cũng bắt đầu học làm theo những gì người Etruscans đã làm.

Người Etruscans có một nền văn hóa phát triển cao, họ có ngôn ngữ riêng – mà nay đã biến mất, và ở họ có sự bình đẳng nam nữ, họ cho phép phụ nữ được học hành, được giữ lại tên họ và tài sản riêng. Người Etruscans cũng rất được kính trọng bởi họ là những thày bói đại tài. Người đã cảnh báo cho Julius Caesar về cái chết của ông với những lời “Hãy coi chừng Con cá tháng Ba!” (tức ngày 15 tháng 3) chính là một người Etruscans. Ngoài ra, những chiếc áo choàng không tay bằng len mịn của người Etruscans cũng ảnh hưởng tới văn hóa Italia, nó gợi hứng cho chiếc tô-ga (áo choàng rộng) của người La Mã.

Trong cùng khoảng thời gian, rất nhiều người Hy Lạp cũng đến chiếm nhiều nơi ở Italy làm thuộc địa, chủ yếu ở miền nam, nơi họ tiếp quản phần lớn đất của người Etruscans. Những người Hy Lạp này đã lập nên thành phố Naples nơi trở thành thành 1 cảng quan trọng. Còn người Etruscans thì thống trị miền trung Italia, đặc biệt là vùng đất giữa 2 con sông Arno và Tiber.

Những người Etruscans giao lưu buôn bán rất mạnh với những người Hy Lạp và những người Phenicians. Họ chuyển gỗ xẻ, lông thú và có thể là cả nô lệ sang phía đông và mua về đá quý, hương liệu, gia vị và bình gốm Hy Lạp. Phần lớn các bình gốm Hy Lạp trong các bảo tàng ngày nay là được tìm thấy ở Italy, trong các mộ táng của người Etruscans.

Thành phố Rome nằm giữa Italy, đồng thời là địa điểm tốt để qua con sông Tiber nên là nơi người Etruscans muốn nắm giữ. Trong 1 thời gian, Rome đã nằm dưới quyền của các vua Etruscans. Các vua này cũng cho xây các tường đá vững chắc, các đền thờ bằng đá và kênh đào dẫn nước ở đây.

Từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên, người Roma lớn mạnh và các cuộc chinh phục của họ đã khiến sự thống trị của người Etruscans bị suy yếu và kết thúc hoàn toàn.

Nền cộng hoà ở Rome

Thành Roma cổ đại được xây dựng trên bảy ngọn đồi – Palatine, Capitoline, Caelian, Esquitine, Aventine, Quirinal và Viminal. Khoảng 500 Tr.CN, ngay khi nền dân chủ bắt đầu được thiết lập ở Athens, những quí tộc Roman (những người giàu) đã quyết định rằng họ không muốn ở dưới sự cai trị của các vua Etruscans nữa.

Quyền lực của các vị vua này không ảnh hưởng gì tới dân nghèo nhưng các quý tộc thì muốn có thêm quyền lực cho riêng họ. Nhưng giới quý tộc không thể tự mình mạo hiểm đương đầu với các vua chúa. Họ cần dân nghèo chiến đấu cho họ. Vì vậy quý tộc đã hứa hẹn trao cho dân nghèo nhiều quyền trong chính quyền mới nều họ chống lại các vua chúa. Dân nghèo đã đồng ý và cùng với quý tộc lật đổ các vua Etruscans.

Nhưng sau khi vua chúa đã bị lật đổ thì các quý tộc Roma lại không muốn trao cho đám dân nghèo bất cứ quyền lực gì. Do đó các lãnh đạo của đám dân nghèo rời bỏ thành phố và bãi công. Họ từ chối làm việc trừ phi họ có được 1 số quyền. Các quý tộc Roma đã phải nhượng bộ, để cho dân nghèo (trừ phụ nữ và nô lệ) có quyền bầu cử.

Tuy nhiên dân nghèo ở Roma không có được nhiều quyền như ở Athens. Thay vì được bỏ phiếu cho những vấn đề cụ thể, các công dân Roma phải bầu chọn ra những người đứng đầu, những người sẽ quyết định thay họ, giống như chọn các đại cử tri để bầu ra tổng thống ở Mỹ. Đồng thời chỉ những quý tộc mới được chọn vào Viện nguyên lão (Senate) của Roma.

The Roman Forum hay Imperial Forum: nơi tranh luận về các vấn đề của thành phố. Được xây dựng trong thung lũng giữa các đồi Palatine, Capitoline và Quirinal từ năm 500 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên.

Nhiều năm sau nữa, dân nghèo Roma vẫn cảm thấy không được đối xử bình đẳng và đấu tranh. Cuối cùng họ buộc được giới quý tộc phải chấp nhận các quan bảo dân (tribune) do họ bầu ra. Các quan bảo dân có quyền tham gia các cuộc họp của Viện nguyên lão và có quyền phủ quyết bất cứ điều gì mà Viện nguyên lão đưa ra bất lợi cho dân nghèo. Dân nghèo cũng buộc giới quý tộc phải ghi ra các luật lệ và đặt ở 1 quảng trường công cộng nơi bất cứ ai cũng có thể đọc. Các luật này được gọi là Bản 12 điều, giống như Bản điều luật Hammurabi của người Babylonian, hiểu như hiến pháp, để nhắc nhở giới quý tộc.

Trong khi đó, dần dần từng ít một, quân đội Roma chinh phục các thành phố xung quanh. Trong các cuộc chinh phục đó, khi chiếm được 1 thành phố, người Roma không lấy tài sản, phá hủy các tòa nhà rồi rút đi mà bắt thành phố đó phải lệ thuộc vào Roma, trở thành 1 phần của Roma. Dân cư trong các thành phố đó thường cũng được quyền bầu cử nhưng phải đóng thuế và đi lính cho Roma. Bởi vậy, càng xâm chiếm được nhiều, Roma càng giàu có và quân đội của Roma càng thêm đông đảo. Và Roma lại càng dễ dàng chinh phục các thành phố khác. Một cách nhanh chóng, Roma đã chiếm được phần lớn miền trung Italia.

Sau đó Roma bắt đầu chinh phục nam Italia. Người Roma có một ý tưởng mới, Roma sẵn sàng giúp đỡ 1 thành phố nào đó trong các cuộc chiến tranh nhưng sau khi giúp đỡ thành phố này đánh bại kẻ thù, Roma để lại binh lính với tuyên bố để bảo vệ an toàn cho thành phố. Bằng cách đó Roma lại chiếm được toàn bộ nam Italia. Đặc biệt thành công là việc 1 số thành phố của người Hy Lạp ở nam Italia yêu cầu được giúp đỡ chống lại Pyrrhus, vua của Epirus (quốc gia cổ ở vùng tây Hy Lạp và nam Albania). Pyrrhus cho rằng ông ta sẽ giống như Alexander Đại đế chinh phục thế giới, đã đem theo nhiều quân và voi từ Ấn Độ nhưng cũng bị Roma đánh bại.

Chinh phục Địa Trung Hải

Khoảng năm 274 trước Công nguyên, Rome đã chiếm toàn bộ bán đảo Italia. Khi đó một thành phố của người Hy Lạp ở Sicilia yêu cầu Rome giúp đỡ trong tranh chấp. Sau 1 thời gian lưỡng lự vì Sicilia ở quá xa, cuối cùng Viện nguyên lão cũng quyết định gửi quân giúp đỡ với ý định chiếm cả Sicilia, mở đầu cho ba cuộc chiến tranh Punic và công cuộc chinh phục Địa Trung Hải kéo dài hơn một thế kỷ.

Lúc đó Sicilia chia làm 2 phần, 1 phần là các thành phố của người Hy Lạp, phần kia là các thành phố của người Carthaginians (Những người Bắc Phi cổ, còn gọi là người Punic hay người Carthaginians). Khi người Carthaginians nghe thấy việc quân Roma được cử tới Sicilia, họ đã lo sợ bị chiếm đóng. Vì vậy họ quyết định tấn công trước.

Ban đầu quân Roma thua vì phải đến Sicilly bằng thuyền trong khi họ không giỏi về kỹ năng chèo thuyền. Nhưng người Roma đã học và sao chép nhanh chóng thuyền của người Carthaginians. Và cuối cùng họ đánh bại người Carthaginians trong cuộc chiến tranh thứ nhất. Người Roman chiếm toàn bộ đảo Sicilia, buộc các thành phố ở đây đóng thuế cho Roma và dưới quyền một viên toàn quyền người Roma.

Lãnh thổ chính của người Carthaginians là Carthage ở châu Phi, quân đội Roma không thể chiếm đóng, nhưng Carthage phải trả cho Roma 1 khoản tiền hàng năm rất lớn.

Chiến tranh Punic lần thứ hai

Những người Carthaginians, dưới quyền chỉ huy của tướng Hasdrubal (cha của Hannibal), vì phải lo khoản tiền trả cho Roma nên muốn chiếm nam Tây Ban Nha, mảnh đất giàu có với những mỏ bạc. Cùng lúc đó, những người Roma đang xâm chiếm miền bắc Tây Ban Nha, nơi có những mỏ vàng. Những người Roma và Carthaginians đã thỏa thuận chia sẻ Tây Ban Nha với nhau. Nhưng năm 219 trước Công nguyên, một thành phố nằm trong vùng chiếm đóng của người Carthaginians yêu cầu Roma giúp đỡ chống lại người Carthaginians. Người Roma gửi quân đến giúp khiến Hannibal, lúc này thay cha lãnh đạo người Carthaginians, quyết định tấn công Roma.

Hannibal sử dụng 1 lực lượng lớn quân đội và nhiều voi, ngựa chiến, vựợt qua dãy Alps vào Italia. Hannibal đã nghĩ rằng khi ông ta vào Italy, tất cả các thành phố sẽ vui mừng giúp đỡ ông ta để được độc lập khỏi Roma. Nhưng một số thành phố thì cho rằng Roma đã đối xử tốt với họ, một số khác quá e sợ Roma, không thành phố nào muốn giúp đỡ Hannibal.

Khi nghe tin Hannibal đến, những người Roma giữ khoảng 1/2 đội quân khổng lồ của họ ở lại Italia để chống lại Hannibal và gửi 1/2 số quân còn lại dưới quyền của Scipio đến nam Tây Ban Nha để chiếm các mỏ bạc.

Chiến tranh kéo dài, Hannibal không thể tiếp cận được Roma do chiến thuật khôn khéo của nguyên soái La Mã là Quintus Fabius (luôn tránh những trận đánh quyết định). Tuy voi chiến của Hannibal bị chết nhiều nhưng ông lại được những người Hy Lạp gửi thuyền đến giúp.

Nhưng sau đó Scipio đã chiếm được Tây Ban Nha và đem quân sang châu Phi tấn công Carthage. Hội đồng lãnh đạo của những người Carthaginian hoảng sợ gọi Hannibal quay về. Trận đại chiến diễn ra ở Zama (Maktar, Tunisia ngày nay), gần Carthage vào năm 202 trước Công nguyên và Hannibal bị thua.

Tuy chiến thắng nhưng người Roma một lần nữa cũng không thể chiếm Carthage. Họ chỉ chiếm toàn bộ Tây Ban Nha và để 1 số binh lính ở Morocco và Algeria, đồng thời buộc người Carthaginians phải đình chiến.

Chiến tranh Punic lần thứ ba

Sau cuộc chiến lần thứ 2, Italia đã bị tàn phá. Quân đội của Hannibal đã dày xéo Italia trong suốt hơn 10 năm. Toàn bộ đàn ông đã ra trận và phần lớn bị giết, một phần thì phải ở lại Tây Ban Nha hoặc châu Phi. Những người trở về nhà thì đất đai trang trại đã bị tàn phá, phải bán lại cho quý tộc để đủ tiền đóng thuế. 1 hậu quả khác là chiến tranh cũng làm nhiều dân nghèo các nơi đổ về Roma, không có việc làm và Viện nguyên lão phải cứu tế. Chỉ có giới quý tộc thì được lợi to vì mua được nhiều nô lệ và đất đai.

Những hậu quả đó đưa đến ý tưởng chinh phục Hy Lạp và Tây Á. Hy Lạp đã giúp người Carthginians là lý do chính đáng để quân đội Romans tấn công. Tấn công Hy Lạp sẽ giúp giải quyết đám dân nghèo nhờ xung họ vào lính và đẩy họ ra khỏi Roma. Và nếu Roma thắng, họ sẽ có nhiều tù binh để bán làm nô lệ.

Với quân đội hùng mạnh, người Roma đã thắng mọi nơi họ đến, ở Hy Lạp và tiếp tục tiến về Tây Á.

Trong khi đó, các đồng minh của người Roma ở châu Phi thường xuyên quấy nhiễu Carthage trong khi theo điều ước người Carthaginians không được phép đem quân trả đũa. Người Carthaginians đã yêu cầu Roma giúp giải quyết nhưng Roma từ chối. Cuối cùng, năm 146 trước Công nguyên, dù có ít hy vọng chiến thắng nhưng những người Carthaginian vẫn quyết định đánh lại các đồng minh của Roma. Khi nghe tin này Viện nguyên lão Roma rất tức giận, một thành viên của Viện nguyên lão là Cato ra lệnh phải phá hủy Carthage.

Quân đội Roma hành quân đến Carthage, thiêu hủy thành phố và đuổi dân chúng đi. (Có một câu chuyện về việc người Roma rắc muối lên các cánh đồng để người dân không canh tác được nữa nhưng chuyện này không có thật.)

Cũng trong năm 146 trước Công nguyên, người Roma chiếm xong các thành bang Hy Lạp và phá hủy thành phố giàu có Corinth (miền trung Hy Lạp).

Đến 146 trước Công nguyên, sau các cuộc chiến tranh Punic và chinh phục Hy Lạp, những người Roma đã là quyền lực duy nhất còn lại trong vùng Địa Trung Hải và họ nắm giữ hầu như tất cả các vùng ven biển

Nhưng La Mã cũng có những trục trặc. Đầu tiên, ngay tại Roma, 2 anh em Cornelius Gracchus và Gaius Gracchus tìm cách lấy lại 1 số đất đai cho dân nghèo. Nhưng các nhà quý tộc giàu có trong Viện nguyên lão không đồng ý. Vào năm 133 và 123 trước Công nguyên, chính những thành viên Viện nguyên lão cùng với những kẻ ủng hộ đã truy đuổi và lần lượt giết chết 2 người này.

Thứ hai, những người châu Phi đã tấn công Carthage nay lại tiếp tục sinh sự. Rất nhiều thương nhân người Roma đang sinh sống tại châu Phi bị tàn sát hàng loạt. Vì vậy khoảng năm 100 trước Công nguyên quân đội Roma lại phải quay lại chiến đấu tại châu Phi. Nhưng lúc này rất khó khăn để có đủ binh lính cho mặt trận châu Phi, tướng Marius đã phải lấy những người nghèo khó thất nghiệp từ Roma và khuyến khích họ bằng chiến lợi phẩm. Nhờ đó Roma đã thắng.

Thứ ba, các thành phố Italia khác cảm thấy rằng Roma đã không đối xử đủ tốt với họ. Họ muốn tăng quyền hạn bầu cử. Vì vậy trong những năm 80 trước Công nguyên, đã có một cuộc chiến tranh với các thành phố Italia, viên tướng của mặt trận này là Sulla. Cuộc chiến tranh này gọi là Cuộc chiến tranh liên minh. Cuộc chiến kéo dài song cuối cùng Roma cũng thắng.

Nhưng rồi Marius và Sulla lại đánh lẫn nhau khi muốn trở thành tướng chỉ huy ở Tây Á. Marius thắng nhưng Sulla đem quân đội hành quân về Roma và đe dọa tấn công Roma nếu Viện nguyên lão không bổ nhiệm ông ta. Sulla thành công và đi Tây Á. Sau đó ông ta trở về với quyền lực lớn và trở thành nhà độc tài, lấn quyền của cả Viện nguyên lão.

Vì vậy sau khi Marius và Sulla chết, Viện nguyên lão Roma đã không còn đủ quyền lực để điều khiển đế chế La Mã nữa. Dân Roma muốn tìm kiếm 1 viên tướng tiếp theo có đủ khả năng nắm quyền. Có 3 kẻ tranh nhau, đó là Pompey – bạn của Sulla, Crassus – 1 kẻ giàu có và Julius Caesar – bạn của Marius. 3 người này thay nhau nắm quyền trong khoảng 10 năm. Trong thời gian này Caesar chiếm xong xứ Gaul (nước Pháp ngày nay). Khi Crassus bị giết trong cuộc chiến với những người Parthians (những người đến Tây Á từ Seberia, vào khoảng 100 trước Công nguyên lập nên nhà nước Parthia ở khoảng Iran ngày nay) ở Tây Á thì Pompey và Caesar đánh nhau, bắt đầu một cuộc nội chiến đẫm máu.

Năm 49 trước Công nguyên, Caesar vượt sông Rubicon (xem bản đồ) và tiến vào Roma còn đối thủ của ông rút về phía đông. Một năm sau, Caesar đại thắng Pompey trong trận Pharsalus. Pompey phải chạy sang Ai Cập và bị những người Ai Cập giết. Khi Caesar tiến vào Ai Cập, ông ta vui mừng vì Pompey đã bị giết nên đã đối xử rất hòa nhã với người Ai Cập, Caesar cũng gặp Cleopatra ở đây và mang Cleopatra về Roma.

Caesar là một thiên tài quân sự, một nhà hùng biện lỗi lạc, nhà thơ và là nhà sử học. Mặc dù là một quý tộc, ông lại ủng hộ chính nghĩa của giới bình dân. Năm 45 trước Công nguyên, Caesar tự tuyên bố là nhà độc tài của Cộng hòa La Mã và là người cai trị của đế quốc rộng lớn này. Caesar tin vào sự bình đẳng (ông cho phép tất cả các cư dân Italia trở thành công dân Roma), nhưng đồng thời cũng tin tưởng rằng nhà độc tài phải có quyền lực tuyệt đối và được phép lựa chọn người kế vị. Tuy nhiên nhiều thành viên Viện Nguyên lão không đồng tình với ông. Ngày 15 tháng 3 (Con cá tháng Ba) năm 44 trước Công nguyên, Julius Caesar bị một nhóm thành viên đâm chết, trong đó có một người tên là Brutus, người mà người ta cho rằng chính là con riêng của Caesar.

Một nhóm quyền lực khác được thành lập gồm Marc Anthony – bạn của Caesar, Lepidus – 1 kẻ rất giàu có và Octavian – cháu họ và là con nuôi của Caesar. Mọi chuyện lại lặp lại. Lepidus bị gạt bỏ. Rồi Anthony cùng người tình Cleopatra gây chiến với Octavian. Nhưng năm 31 trước Công nguyên, Octavian đánh bại Anthony và Cleopatra ở trận Actium, khiến 2 người này phải tự sát. Sau đó Octavian lên ngôi hoàng đế và lấy niên hiệu là Augustus, khởi đầu thời kỳ thịnh trị của Đế chế La Mã.

Nền thái bình La Mã
Sau cái chết của Ceasar, một thập kỷ bất ổn liên miên cuối cùng cũng đã kết thúc nhờ người cháu của Ceasar – Octavian Ceasar. Năm 31 trước Công nguyên, ông trở thành vị hoàng đế La Mã đầu tiên, lấy tên hiệu là Augustus (“Tôn kính”). Ông cho xây dựng thư viện, đền đài, nhà hát và đường sá, và ban hành bộ luật chung cho toàn đế quốc. Augustus sống đến năm 13 sau Công nguyên

Sự cai trị của ông bắt đầu một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng, được biết đến dưới tên gọi Pax Romana (“Nền thái bình La Mã”), mặc dù sau Augustus ít lâu, người dân Roma đã có nhiều năm kinh hoàng dưới sự cai trị của bạo chúa Nero, người đã đốt cháy cả thành Roma hoa lệ để tìm thi hứng và tạo cớ tàn sát những người theo Thiên chúa giáo. (Chính Nero đã ra lệnh hành quyết thánh Peter và thánh Paul.) Galba, viên toàn quyền xứ Tây Ban Nha đã kéo quân về cùng dân chúng chống lại Nero khiến hoàng đế cuối cùng của dòng họ Caesar phải tự sát.

Nguồn ; ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét